Trung bình mỗi ngày TP.HCM đang phải tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác thải, một con số khổng lồ. Dự báo lượng rác này sẽ tăng lên gần 10.000 tấn trong năm 2015. Do vậy, việc tiết kiệm sử dụng tài nguyên để giúp giảm chất thải là hết sức cần thiết.
3T và những lợi ích thiết thực
Việc thực hiện tốt 3T mang ý nghĩa rất to lớn. Thứ nhất, về kinh tế, đó là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất chôn lấp; giảm chi phí đổ thải. Một lợi ích quan trọng là có thể thu lợi nhuận từ hoạt động tái chế do nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ, phong phú và được hưởng các chính sách khuyến khích. Có nhiều nguồn thu nhập đối với ngành công nghiệp tái chế như bán nguyên liệu cho các ngành sản xuất; các sản phẩm tiêu dùng đã qua sửa chữa, tân trang; bán điện do các lò đốt rác sản xuất ra.
Thứ hai, với xã hội, sự tham gia của cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; tạo ra việc làm; tăng thu nhập; giảm các chi phí trong quản lý chất thải…
Thứ ba, về môi trường, khi thực hiện 3T, rác từ các hộ gia đình sẽ được phân loại và được lưu trữ lại đúng quy cách. Việc này giúp giảm khối lượng chất thải, mùi hôi và tiết kiệm được lượng nước đáng kể dùng để rửa nguyên liệu tại các cơ sở tái chế.
Bằng vật liệu đơn giản, bạn có thể hướng dẫn trẻ làm thành những đồ dùng trang trí thú vị. Ảnh: NGỌC CHÂU
Trên tinh thần Ngày hội Tái chế chất thải lần 6 năm 2013, Quỹ Tái chế chất thải, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kêu gọi các công ty môi trường và cộng đồng cư dân hãy cùng nâng cao nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với chủ đề 3T trong trường học, chương trình tập trung hướng dẫn các em học sinh cách thức và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, kết quả đạt được sẽ càng to lớn hơn nữa nếu mọi người cùng chung tay góp sức với nhau.
Thực hiện 3T không hề khó
Có nhiều cách đơn giản chúng ta có thể áp dụng để thực hiện 3T. Chẳng hạn như mang theo túi vải của riêng bạn khi tới mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa; hạn chế tối đa sử dụng túi nylon. Bạn có thể dùng những vật dụng thay thế cho chai nhựa như bình đựng bằng gốm hay các lọ thủy tinh kín; hạn chế mua các loại thực phẩm tiện lợi đựng trong bao bì bằng nhựa. Chúng ta nên mua thực phẩm được đóng, bảo quản trong túi giấy, hộp giấy, hộp carton… Việc này sẽ giúp giảm thiểu chất thải nhựa đưa ra môi trường. Hơn nữa, chúng ta nên phân loại rác để tận dụng những loại có thể tái chế được; sử dụng giẻ lau bằng vải; dùng pin sạc, túi vải hoặc hộp đựng sử dụng nhiều lần để mang cơm đến trường hoặc nơi làm việc. Không chỉ tắt đèn, bạn hãy nhớ tắt cả tivi, máy tính, đầu đĩa và những thiết bị khác khi không dùng đến để tiết kiệm điện.
Khi mua sắm, bạn đừng vội bỏ đi những túi đựng mà sử dụng cho những việc khác trong nhà. Các loại túi bằng giấy lại trở nên tiện lợi để làm bao gói tiện dụng; hãy tận dụng giấy vụn để viết nháp hay ghi chú. Rửa sạch các chai thủy tinh, hũ nhỏ, chúng ta có thể sử dụng chúng làm các vật đựng nhỏ để dự trữ các đồ dư hoặc đồ lặt vặt. Nếu khéo tay một chút, bạn có thể biến hóa quần áo cũ thành các vật dụng khác như áo bọc nệm, lót ấm trà, lau chùi, kê bếp…
Với thiết bị điện, quần áo, sách cũ không dùng tới, bạn có thể tặng chúng cho các trường học còn khó khăn, trung tâm cộng đồng hay cơ sở từ thiện để những người khác có thể tái sử dụng chúng. Hãy bán hoặc bỏ đi những thứ không còn dùng nữa, đừng lưu trữ quá nhiều trong nhà vì nó sẽ tạo thành ổ chứa vi khuẩn, chuột bọ. Thêm vào đó, việc này có thể mang đến cho bạn cơ hội kiếm thêm một ít tiền mặt. Chủ nhật hay những ngày nghỉ, các mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những món đồ chơi nho nhỏ bằng giấy, bao bì không dùng tới, hay cầu kỳ hơn là những chậu cây nho nhỏ làm bằng vật liệu tái chế. Thông qua những hoạt động thực tế, trẻ dễ dàng hiểu thế nào là tái chế. Hơn nữa, khi không có bạn giúp sức, chúng vẫn có thể tự mày mò sáng tạo để làm ra những vật dụng có ích.
3T là tiết giảm, tái sử dụng, tái chế. Tiết giảm: Giảm lượng rác phát sinh thông qua việc thay đổi lối sống, cách tiêu dùng, cải tiến các quy trình sản xuất… Tái sử dụng: Sử dụng lại các sản phẩm, một phần của sản phẩm cho chính mục đích cũ hay cho một mục đích khác, sử dụng một sản phẩm nhiều lần cho đến hết tuổi thọ sản phẩm. Tái chế: Thu hồi lại từ rác thải, vật liệu thải các thành phần có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ra các vật chất, các sản phẩm mới có ích. Có thể chia thành hai dạng là tái chế ngay tại nguồn từ quy trình sản xuất và tái chế nguyên liệu từ sản phẩm thải. |