Khí SO2 là một trong những chất khí gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của sinh vật nói chung và sức khỏe con người nói riêng. Có nhiều nguyên nhân sinh ra khí SO2, trong đó có cả tự nhiên và nhân tạo, như các quá trình công nghiệp: công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp hóa chất, công nghiệp luyện kim, quá trình đốt nhiên liệu hoặc quá trình phun trào núi lửa… Nguồn ô nhiễm bởi khí SO2 phát sinh ngày càng nhiều, môi trường không khí ngày càng bị ô nhiễm, chính vì vậy chúng ta cần phải có biện pháp xử lý khí SO2 hiệu quả.
Xử lý khí thải SO2
Có nhiều phương pháp xử lý khí SO2, như: phương pháp hấp thụ, phương pháp hấp phụ, hoặc phương pháp đốt. Đối với khí SO2,sử dụng phương pháp hấp thụ là hiệu quả nhất, đồng thời phương pháp này cũng tiết kiệm được chi phí xử lý. Dung dịch hấp thụ được sử dụng là Ca(OH)2.
Quá trình xử lý khí SO2 bằng tháp hấp thụ sử dụng dung dịch Ca(OH)2 được thể hiện theo sơ đồ sau:
Khí thải cần xử lý được đưa qua Cyclon để thu hồi bụi bằng phương pháp ly tâm. Sau đó được đưa qua thiết bị giải nhiệt để giảm nhiệt độ. Khí thải một phần đã được làm sạch, dùng quạt thổi khí đưa vào tháp đệm từ dưới lên. Dung dịch hấp thụ Ca(OH)2 được hệ thống ống dẫn bơm lên phần trên thân trụ và được đĩa phân phối tưới đều lên lớp vật liệu đệm. Dòng khí đi từ dưới lên, dòng lỏng từ trên xuống qua lớp đệm, cả hai tiếp xúc nhau và xảy ra quá trình hấp thụ như sau:
2SO2 + Ca(OH)2 → Ca(HSO3)2
Ca(HSO3)2 + Ca(OH)2 → 2CaSO3 + 2H2O
CaSO3 là chất ít tan nên lắng xuống đáy tháp và được đem đi xử lý chôn lấp. Khí ra ở đỉnh tháp được quạt hút đưa ra thiết bị lọc bụi tĩnh điện để loại bỏ lượng bụi còn sót lại, sau đó được đưa ra môi trường ngoài.
Phương pháp hấp thụ sử dụng dung dịch Ca(OH)2 đã giúp xử lý khí SO2 một cách hiệu quả, hiệu suất xử lý có thể lên đến 85 – 90%, là một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi trong các quá trình xử lý khí thải.