Cuối cùng cô bé cũng uống và nhận xét hết sức nhẹ nhõm: “Chẳng có mùi vị gì cả”.
Nước đóng chau “Newater” được tái chế từ nước thải.
Hệ thống nhà máy nước quốc doanh của Singapore PUB đề ra câu khẩu hiệu “mỗi giọt nước cần phải được sử dụng nhiều hơn một lần”. Tiểu quốc Singapore đi đầu trong lĩnh vực chế biến nước thải thành nước ăn. Điều này có lý do của nó. Quốc gia tí hon này nằm xích đạo, tuy hàng năm có lượng mưa khá lớn nhưng lại thiếu chỗ để chứa nước. Vì vậy việc chế biến để tái sử dụng nước thải là điều dễ hiểu.
Người hướng dẫn tại Trung tâm khách hàng của Newater giải thích “Thực chất nước mưa cũng chỉ là một dạng nước được tái chế từ nước thải”. Tuy vậy tại Singapore, cái gọi là “Newater” – một kiểu chơi chữ kết hợp “New” và “Water” – chủ yếu để phục vụ sản xuất công nghiệp, còn nước đóng chai Newater chỉ có ở Trung tâm phục vụ khách hàng của Nhà máy.
Singapore bắt đầu tái chế nước thải từ năm 2003. Một phần ba lượng nước thải của 5,7 triệu dân Singapore hiện đã được tái chế. Nước thải từ các khu dân cư chảy qua một hệ thống đường ngầm dài 48 km đến nhà máy chế biến nước thải. Tại đây, nước được đi qua một màng lọc cực nhỏ (microfilter) và các màng mỏng (membrane) sau đó chiếu tia cực tím. Hướng dẫn viên ở Trung tâm khách hàng giới thiệu quá trình này qua sự so sánh như sau: “Ví thử phân tử nước chui qua màng mỏng to bằng quả bóng quần vợt, thì một hormon estrogen to như quả bóng đá, một virus to kềnh như cái xe ô tô tải và một con vi trùng to đùng như toà nhà. Tất cả những thứ đó không thể chui qua những tấm màng mỏng membrane.”
Hiện nay nhiều nơi trên thế giới bị khan hiếm nước, khoảng 4 tỷ dân không có đủ nước sinh hoạt. Một nhà máy khử muối trong nước biển tiêu hao năng lượng điện gấp ba lần so với việc tái chế nước thải thành nước ăn của Newater, tính theo đơn vị lít.
Quận Cam thuộc bang California của Mỹ đang tiến hành một dự án như Singapore. Australia cũng vận động cho phương án này nhưng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Ông Tim Fletcher, Giám đốc Viện Tài nguyên nước bền vững thuộc Đại học Monash ở Melbourne, nói với đài ABC: “Khi chúng ta uống nước đã được xử lý, chúng ra có thể tin chắc rằng, chất lượng của loại nước này ít nhất cũng bằng nước uống, loại nước mà hiện nay chúng ta đang sử dụng, nếu không nói là còn cao hơn.”
Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng chia sẻ sự lạc quan với ông Tim Fletcher. Thí dụ, nhà vi sinh vật học đồng thời là chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Peter Collignon thì coi giải pháp này là “vô trách nhiệm” khi trong nước thải có vô vàn mầm bệnh khác nhau.
Peter Collignon cảnh báo “khả năng tiềm ẩn về một hệ quả kinh hoàng đối với nền y tế công là hiện hữu. Thật nguy hiểm nếu như trong quá trình làm sạch đầy rủi ro này có điều gì đó không ổn xảy ra.”